Hiện nay, rất nhiều người lo ngại về tính
an toàn của các loại rau trồng trên thị trường. Người xưa có câu “người
khôn ăn rau dại” rất đáng được lưu ý. Sở dĩ, các loại rau dại thường có
những ưu thế mà rau trồng không có được như: mọc hoang nên ít bị ảnh
hưởng của phân bón hóa học cũng như các loại nông dược, thu hái xong
thường được sử dụng liền nên không cần đến những biện pháp bảo quản. Đa
số chúng từng được sử dụng làm thuốc vì có ích cho sức khỏe, hương vị
đặc trưng, lạ miệng nên rất hấp dẫn.
Rau má
Dùng ăn sống hay nấu canh đều tốt. Nếu nấu cháo thì dùng rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g, nấu với ít muối hoặc đường.
Những món này đều có vị ngọt, tính mát,
tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, thường dùng trong các trường
hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn
nhọt, rôm sảy, ho, dãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu,
sản phụ ít sữa...
Chùm bao
Chùm bao hay còn gọi là lạc tiên. Người
nông thôn thường hái ngọn và trái, lá non dùng làm món luộc, xào, nấu
canh với cá rô đồng. Những món này có tác dụng an thần, giải độc, chống
dị ứng.
Càng cua
Càng cua (rau tiêu) mọc nhiều ở nơi ẩm
thấp. Rau càng cua rửa sạch, chấm với các món kho hoặc mắm. Bên cạnh đó,
nó còn được dùng làm gỏi, trộn với tép, thịt ba chỉ luộc, đậu phộng
rang giã dập và rau húng quế.
Đây là những món ăn giúp lợi tiểu, thanh
nhiệt, giải khát. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là loại rau này không
thích hợp cho những người bị sỏi thận.
Lá lốtLá lốt thường dùng ăn sống hoặc làm gia vị nấu canh cá, chả cá, lươn, ếch, ba ba, ốc, hến… vừa tạo hương vị thơm ngon, vừa khử bớt khí hàn, khí thấp của thực phẩm, giảm bớt mùi tanh và chống dị ứng. Lá lốt gói các loại thịt như: bò, heo, vịt, cua… để nướng, chiên rất ngon miệng, bổ dưỡng.
Rau dớn hay còn gọi là dớn rừng, thái
quyết, là một loài thực vật hoang dại thuộc họ rau dớn. Nó dùng để xào,
làm gỏi, luộc chấm nước mắm ngon… Lưu ý, trước khi chế biến rau, bạn
phải trụng sơ qua với nước sôi. Cũng giống như rau càng cua, rau dớn có
tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và chống táo bón.
Bồ công anh
Làm rau ăn sống, hấp chín, nấu canh hoặc
nấu cháo… giúp nhuận gan, mật, giải độc, lợi tiểu, tăng cường sức đề
kháng, chống loãng xương.
Mớp gai
Cây mớp gai hay còn gọi là ráy gai, chóc
gai, tên khoa học là Lasia Spinosa Thwaiters, thuộc họ Ráy (Araceae). Là
cây thảo có thân rễ và cuống lá đều có gai. Người dân thường lấy củ làm
thuốc, lấy cọng xào tỏi hoặc xào với thịt bò. Những món ăn này rất có
ích cho hoạt động của gan.
Nhút
Rau nhút còn gọi là rau rút là loại rau
sống trên mặt ao hồ. Lá của loại rau này có hình giống như lá me, nhưng
nhỏ hơn. Thân của rau này có các bao hình xốp, trắng, dính liền vào
thân, bao xung quanh thân để giúp rau nổi lên. Dùng để nấu canh cua,
lẩu, tôm… Rau nhút rất tốt cho thanh nhiệt, an thần, mát gan, hạ sốt,
chữa mất ngủ, hỗ trợ điều trị bướu cổ...
Quả bần chua
Cây bần là loài cây rừng ngập mặn nhiệt
đới, có nguyên sản ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Lá non và búp hoa cây bần
được dùng làm rau sống. Quả bần chát và bần chua được xắt mỏng để dùng
làm rau ghém, dùng riêng hoặc trộn với các loại rau “tập tàn" khác. Bần
chín được làm nước chấm. Đặc biệt là ăn với mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm
ruốc…Quả bần chua dùng để nấu canh chua có tác dụng giải khát, giải
độc.
Lá cách
Làm rau luộc ăn hoặc nấu canh có tác dụng
trợ tiêu hóa, tiêu thực, nhuận gan, mật. Bông súng xào lăn với lá cách,
ba ba xào lá cách hoặc gà giò xào lá cách đều là những món ăn rất hấp
dẫn và bổ dưỡng.
Đinh lăng
Rễ làm thuốc bổ, lợi tiểu, cơ thể suy
nhược gầy yếu. Lá chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng
tấy. Thân và cành chữa tê thấp, đau lưng. Lá làm rau ăn như rau mùi hoặc
làm gỏi, bổ dưỡng mà lại chống dị ứng, giải độc.
Ngổ
Rau ngổ thường mọc hoang ở ruộng nước,
vũng lầy và rất dễ trồng; vị chua cay, hơi se, tính mát, thơm. Rau có
tính giải độc, tiêu viêm nên được dùng để chữa trị rắn cắn, trị bệnh
ngoài da. Dùng làm rau, ăn như gia vị và giúp giải độc, thanh nhiệt, lợi
tiểu, nhuận trường.
Cải trời
Cải trời là loài cây hoang dại mọc khắp
nơi ở Việt Nam và ở Nam Bộ. Được người dân Nam Bộ dùng như một loại rau
rừng với hương vị hấp dẫn và dùng trong nhiều bài thuốc dân gian.
Cải trời có tác dụng giải nhiệt, cầm máu,
chống viêm, tiêu hóa, bệnh mắt, thuốc bổ gan, trừ đờm, giải nhiệt, hạ
sốt, dịch lá trừ giun, hạ nhiệt, kích thích và lợi tiểu.
Cooky.vn