10 thg 4, 2007

Chơi công nghệ flash

Những tấm thiệp, trò chơi với hình ảnh động, nhấp nháy ngộ nghĩng đã hấp dẫn nhiều bạn trẻ mày mò học hỏi để có thể tự làm lấy. Nhưng "tay chơi" thì nhiều mà dân chuyên nghiệp lại rất hiếm trong lĩnh vực này.


Những tấm thiệp, trò chơi với hình ảnh động, nhấp nháy ngộ nghĩng đã hấp dẫn nhiều bạn trẻ mày mò học hỏi để có thể tự làm lấy. Nhưng "tay chơi" thì nhiều mà dân chuyên nghiệp lại rất hiếm trong lĩnh vực này.

Phạm Quang Hưng, admin của trochoiviet.com và thiepviet.com, hai website với những hình ảnh động đông người truy cập nhất VN hiện nay, cho biết số lượng người làm flash trình độ cao khá khiêm tốn. Công cụ này đòi hỏi người sử dụng không chỉ có tư duy sáng tạo mà còn phải có kiến thức rất rộng, từ đồ họa đến lập trình, xử lý âm thanh, trình độ ngoại ngữ (ở đây là tiếng Anh) và đặc biệt là phải có khả năng ngôn ngữ và kiến thức mỹ thuật tốt.

"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một người bình thường không thể làm được flash", Hưng lập luận. "Vì nếu tách riêng từng mảng thì flash lại khá đơn giản bởi các công cụ vẽ trong đó dễ sử dụng. Còn Actionscript, ngôn ngữ lập trình trong flash, đều là những từ tiếng Anh có nghĩa, có thể suy luận ngay tác dụng của mỗi lệnh, chẳng hạn duplicateMovieClip, stopAllSounds, gotoAndStop...".

Để chứng minh điều mình vừa nói, Hưng thoăn thoắt rê chuột và chỉ bằng những hình vẽ cơ bản vuông và oval, thêm vài thao tác chỉnh sửa, sau gần 10 phút, hình một chàng trai quỳ gối nâng trái tim trong lòng bàn tay đã xuất hiện trên màn hình. Nhập thêm vài chục dòng lệnh trong cửa sổ ActionScript, Hưng gõ tổ hợp Ctrl + Enter và trái tim trong lòng bàn tay chàng trai bắt đầu đập thổn thức, còn ở hậu cảnh, những cánh hoa hồng lả lướt bay lúc nhanh lúc chậm.
Hưng nhận xét một flasher đạt đẳng cấp “pro” (chuyên nghiệp) phải biết thực hiện tất cả công việc, từ tạo storyboard (bảng tiến trình), tới phác họa, thiết kế, lồng tiếng, lipsync và cả lập trình... hoàn toàn trong flash. Tuy nhiên, ở VN rất hiếm người đạt đến trình độ này. Thay vào đó, phần đồ họa thường được vẽ trong các phần mềm quen thuộc như Photoshop hay Corel Draw, xuất ra các định dạng tương thích rồi lại nhập vào trong flash. Phương pháp này bộc lộ nhiều điểm yếu bởi sẽ tạo ra các file có dung lượng lớn hơn rất nhiều so với thực hiện hoàn toàn bằng flash, không thích hợp với môi trường web.

Tại một buổi seminar công nghệ của nhóm EHI, thích flash ở quán cà phê đường Nguyễn Du, Hà Nội. Trưởng nhóm Phùng Thanh Quý vui vẻ tiết lộ: “Bọn mình toàn dân tay ngang, đứa học Đại học Ngoại ngữ, đứa học Kinh tế quốc dân, chỉ vì thích flash mà tập hợp nhau lại”.

Quý cho biết điều khó khăn nhất khi bắt đầu làm flash là thiếu tài liệu, sách vở, trường lớp. Cô từng học một khóa flash ở một trung tâm đồ họa có tiếng tại Hà Nội nhưng chỉ đủ biết cách sử dụng các công cụ, còn các kỹ thuật nâng cao như tạo hình nhân vật, thiết kế game, runcycle, walk cycle, lipsync... thì chẳng đâu dạy cả nên Quý đành tìm đến “anh Gúc” (Google). Công cụ tìm kiếm này đã mang lại cho nhóm một nguồn tài nguyên khổng lồ. Ổ cứng máy tính của Quý có dung lượng 80 GB thì có tới 30 GB mã nguồn, ebook (sách điện tử) và video tutorials (hướng dẫn).
Buổi họp mặt của nhóm này diễn ra sôi nổi, hào hứng. Họ bắt đầu từ áp dụng phối cảnh một điểm, hai điểm và ba điểm trong flash đến chuyển hướng sang kỹ thuật vẽ hậu cảnh chuyển động nhiều lớp, rồi tới áp dụng các bộ lọc mới trong Flash 8 để tạo các hiệu ứng khói, mây, mưa rơi... Tất cả đều là những thủ thuật đặc biệt mà họ mới “Gúc” được.

Nhóm EHI cho biết từ ngày tham gia hợp tác làm game flash cho một số website, có khá nhiều công ty lớn mời họ về làm việc nhưng đều phải từ chối vì tất cả thành viên đã có công việc ổn định và làm flash chỉ là một thú vui tay ngang. Nhưng qua đó có thể thấy việc trưng bày tác phẩm trên các website lớn chính là cách tốt nhất để thể hiện trình độ của các flasher và đó cũng là con đường ngắn nhất để tìm kiếm cơ hội việc làm, nhất là với những người trẻ tuổi.

Itgatevn Design Group (Theo Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào: