8 thg 4, 2007

Muốn khởi nghiệp người ta cần cái gì nhất?

Theo ông Milton Nebuya, yếu tố quan trọng nhất là "ý tưởng kinh doanh". Chỉ cần có ý tưởng hay thì dù không có tiền vẫn làm được. Trên thế giới thiếu gì gương doanh nhân từ tay trắng đã tạo nên sự nghiệp nhờ vào những ý tưởng độc đáo ban đầu.
Ngẫm ra, điều này không phải là không có lý. Một khi đã có ý tưởng độc đáo, có kiến thức, kinh nghiệm, cộng thêm những mối quan hệ trong lĩnh vực dự định kinh doanh thì chắc sẽ làm ăn được. Khi đó, vốn lùi xuống vị trí thứ hai. Có nhiều cách có thế tìm vốn để khởi nghiệp như gọi vốn từ gia đình, bạn bè, các quỹ đầu tư, vay ngân hàng, hay gọi vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài… Nhưng nghe thì dễ, còn thực tế thì sao?
Còn thực tế, nguồn tài chính để khởi sự cho rất nhiều doanh nghiệp chỉ là sự hỗ trợ từ gia đình hay bạn bè, bởi vì vay ngân hàng không phải là chuyện dễ. Ðiều này lại càng khó hơn với những công ty vừa mới thành lập. Giám đốc một công ty may gia công kể chuyện hồi công ty anh mới mở, sắp ký được hợp đồng lớn, nhưng không đủ tiền nhập nguyên liệu, anh đến gõ cửa các ngân hàng. "Cho dù tôi có đưa cho họ xem các hợp đồng bán hàng đã ký được với khách và xin thế chấp toàn bộ máy móc mình có, nhưng chẳng ngân hàng nào chịu cho một kẻ mới khởi nghiệp, không có nhà cửa thế chấp vay tiền", anh nhớ lại. Cuối cùng vì không có tiền để nhập nguyên liệu, anh đành bỏ lỡ hợp đồng và mất luôn vị khách hàng đó.
Cho dù ai cũng biết ngân hàng sinh ra trên đời là để cho vay, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được.
Vạy mượn bạn bè đôi khi cũng là một lối thoát cho các nhà kinh doanh cần vốn. Nhưng Nguyễn, giám đốc một công ty chuyên về bán quảng cáo nói trong làm ăn, chuyện vay mượn bạn bè cũng phải có nguyên tắc. Thường khi nào kẹt lắm mới gọi nhau vay nóng vài trăm triệu. Người vay cũng phải biết điều, trả chút tiền lãi cho bạn bè không thiệt và cũng đừng mượn quá lâu. Nguyễn cho biết tiền lãi anh trả cho các khoản vay "cứu hộ" này thường là 5%/tháng. "Tiền lãi như thế tưởng là cao nhưng thật ra chẳng thấm vào đâu nếu 200 triệu đồng vay được kịp lúc cứu được một vụ bạc tỉ", Nguyễn giải thích. Quan điểm của Nguyễn là làm ăn dứt khoát phải có vốn. Vay mượn người quen thì cũng chỉ được năm bữa, nửa tháng.
Cho dù ai cũng biết ngân hàng sinh ra trên đời là để cho vay, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được. Với những doanh nghiệp mới "ra ràng", vay tín chấp là chuyện chỉ có trong mơ. Nhưng người mới ra lập nghiệp, văn phòng, nhà xưởng phải đi thuê để hoạt động thì làm gì có tài sản để thế chấp.
Trong thực tế, còn nhiều cách khác để tìm vốn khởi nghiệp. Giãn Tư Trung, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Kiểm toán ABB, cho biết thêm, bây giờ có khá nhiều người khởi nghiệp theo kiểu "kẻ có công, người có của". Nhưng muốn làm được điều này thì bản thân người có ý tưỏng, đưa ra dự án kinh doanh đó phải chứng minh được tài năng và đạo đức của mình để thuyết phục người khác bỏ vốn vào. Ðôi khi người có ý tưởng cũng phải có chút ít vốn liếng, để tăng thêm lòng tin cho phía đối tác. Ở Việt Nam, tìm vốn để khởi nghiệp theo dạng này chỉ giới hạn trong các mối quan hệ thân thuộc hoặc ở các công ty làm dịch vụ tư vấn.
Ở những nước có thị trường tài chính phát triển, khi có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh độc đáo, tạo ra được lợi nhuận, họ có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hay thị trường chứng khoán. Luật Việt Nam không cho phép một công ty mới thành lập được niêm yết và phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Còn các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn còn khá xa lạ đối với thị trường tài chính Việt Nam.
Cho dù ai cũng đồng tình rằng khi khởi nghiệp, người không có bột mà vẫn gột nên hồ thì mới là tài. Nhưng trong thực tế Việt Nam, những người làm được chuyện này không phải là nhiều.

st

Không có nhận xét nào: