[01.06.2007 22:26]
Xem hình
Ban ngày là một nhân viên văn phòng. Ban đêm làm MC ở các tụ điểm, sân khấu. Còn khi về nhà, Như Quỳnh được hàng xóm và các em nhỏ gọi bằng một cái tên trìu mến: cô giáo Quỳnh.
Từ bốn năm nay, ngoài công việc tay trái, tay phải như đã kể trên, MC Như Quỳnh còn dành thời gian rảnh ít ỏi của mình cho lớp học tình thương ngay gian phòng nhỏ bé mà cô thuê ở chung với ba người em trong hẻm 346 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đây là xóm lao động nghèo, nhiều trẻ em thất học, đứa thì đi lượm ve chai, bán vé số để phụ gia đình; đứa thì lang thang, bụi đời.
Nhớ lại những ngày đầu, do vừa phải đi học vừa phải đi làm còn nhiều khó khăn nên Như Quỳnh và em gái kế (đang học đại học) mới tìm đến “xóm ve chai” này thuê nhà ở cho rẻ. Một hôm, vào dịp Tết Trung thu, hai chị em Quỳnh mời tất cả bọn trẻ vào nhà cùng ăn bánh trung thu. “Hằng ngày thô lỗ là vậy, thế nhưng hôm ấy bọn nhóc hiền khô, có đứa tỏ ra rụt rè vì chưa tiếp xúc với mình bao giờ - Như Quỳnh kể - Khi được biết chúng đều thất học hoặc học hành dở dang, hai chị em gợi ý xem có chịu đến đây để học chữ học viết không, đa số đều gật đầu, cũng có đứa e dè, phân vân không dám trả lời dứt khoát”.
MC - “cô tiên” Như Quỳnh và các em thiếu nhi trong lâu đài Happi - Ảnh: H.SƠN
Ước mơ của Quỳnh là sẽ phối hợp với Tổ chức Vietnam Help để thành lập một quĩ từ thiện trợ giúp các lớp học tình thương, giúp kinh phí cho các nhà mở, mái ấm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, người già neo đơn... Quỳnh cũng mong muốn sẽ là cầu nối để kêu gọi các văn nghệ sĩ, doanh nhân và các nhà hảo tâm chung tay góp sức giúp đỡ những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình.
Ngay hôm sau lớp học đã ra đời... Và từ đó, cứ vào buổi chiều tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu và sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tiếng la hét, đùa nghịch thường gặp ở “xóm ve chai” đã giảm hẳn và được thay bằng tiếng ê a đọc bài, đánh vần của bọn trẻ.
Như Quỳnh mua về một tấm bảng nhỏ treo lên tường, thu xếp bớt đồ đạc để đặt mấy chiếc bàn cũ, ghế nhựa cho bọn trẻ ngồi học. Lúc đầu lớp chỉ có chưa tới chục đứa, Quỳnh “khuyến khích” bằng cách hay mua kẹo, bánh về chia cho các em. Thế là bọn nhóc rỉ tai nhau “đến nhà cô Quỳnh học vừa vui, vừa có kẹo ăn”.
Lớp học ngày một đông hơn, đến nay, không gian nhỏ bé của gian phòng không đủ cho gần 40 em theo học, Quỳnh phải chia ra làm hai lớp, cả bốn chị em Quỳnh cùng thay nhau đứng lớp; từ dạy chữ, dạy viết đến dạy các môn cơ bản như văn, toán và tiếng Anh. Cực thì có cực nhưng chị em Quỳnh rất vui, đi đâu về các em gặp đều cúi đầu chào rất lễ phép. Bà con khu phố, tổ dân phố ủng hộ hết mình. Bạn bè, đồng nghiệp và một số đơn vị mà Quỳnh quen biết cũng đã tìm đến tặng quà, quần áo cho các em những dịp lễ, tết...
Năm nay là đúng 10 năm kể từ khi vào Sài Gòn học đại học, cũng đánh dấu 10 năm làm nghề MC của Quỳnh. Lúc ấy, Quỳnh đến với nghề MC cũng rất tình cờ và như một công việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau này ra trường, dù đã có công việc ổn định nhưng nghề MC vẫn cuốn hút Quỳnh mãi đến giờ. “Nhờ làm MC mà Quỳnh thường xuyên được giao tiếp với khán giả, với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ văn nghệ sĩ, giới doanh nhân, đến các trẻ em nghèo... nên Quỳnh có cách nhìn về cuộc sống của riêng mình” - Quỳnh tâm sự.
Nhiều bạn bè nói vui chắc Quỳnh có căn tu vì ăn chay trường, lại thích làm việc thiện. “Chắc do ảnh hưởng từ gia đình mình. Vì hồi nhỏ Quỳnh thấy cha mẹ hay giúp đỡ người nghèo, mang cơm cho các cụ già neo đơn...” - cô MC nhỏ nhắn Như Quỳnh nói như tâm sự.
(Theo Tuổi trẻ)
8 thg 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét