Nhà văn Lê Minh Hà hiện đang sinh sống tại Đức đã gửi đến báo chí một câu chuyện cảm động giữa một gia đình người Đức với hai mẹ con cô gái Việt mà họ đã từng gặp gỡ, cưu mang cách đây hơn 1/4 thế kỷ và đang rất mong có ngày được gặp lại.
Một người đàn ông Đức bất ngờ gọi điện cho tôi. Ông nói, suốt 1/4 thế kỷ qua ông và vợ vẫn thầm cầu mong một ngày gặp lại cô gái đó - cô Nguyễn Thị VUONG.
Gia đình Verne Watzik biết tới Việt Nam vào những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, qua những người Việt trẻ tới Đức theo hiệp định hợp tác lao động giữa hai nhà nước.
Một sự ngẫu nhiên đã gắn kết gia đình Werne Watzik với một người Việt trong số đó - cô Nguyễn Thị VUONG. (Trong mảnh giấy mà cô để lại, nhiều chữ không có dấu nên không thể đoán được tên cô, chỉ biết cô quê ở Hà Bắc).
Trong những bức ảnh đen trắng mà Werne đưa cho chúng tôi xem là hình ảnh một cô gái quê xinh xắn và nhí nhảnh.
VUONG qua Đức vào năm 1982, với mong mỏi được làm ăn cật lực dăm ba năm ở quê người cho một cuộc đổi đời ở quê nhà.
Ngày đó, được đi hợp tác lao động là ước vọng của rất nhiều người Việt.
VUONG may mắn được lên đường. Nơi cô tới là một thành phố nhỏ: Scharfenstein, sau đó chuyển tới Wolkenstein.
Nhưng thần may mắn không mỉm cười với VUONG. Điều bí mật cô đã giấu được qua bao nhiêu vòng kiểm tra sức khoẻ trước ngày đi sang tới Đức bị lộ: VUONG có thai.
Từ đó, thay vì chôn mình trong công xưởng, nhiều lần cô phải vào bệnh viện.
Theo quy định của hiệp ước lao động giữa hai nhà nước Việt Nam và CHDC Đức lúc đó, ai mất sức làm việc sẽ bị đưa về nước chứ không được phép ở lại.
Mà nếu cô trở về, cuộc sống sẽ đáng sợ biết bao, không hẳn vì gánh nặng tiền bạc lo cho chuyến đi chưa trang trải được, mà là miệng tiếng người đời, là nỗi buồn phiền câm nín của cả gia đình, là một nơi chốn dung thân chưa biết chỗ nào, là một việc làm để có miếng nuôi con đỏ.
Chính trong những ngày bối rối ấy, VUONG đã gặp Ina Watzik đang làm y tá tại bệnh viện. VUONG sinh con ở đó, năm 1983, trong bàn tay chuyên môn, trong tấm lòng đùm bọc của bè bạn người Việt và của cán bộ nhân viên y tế người Đức.
Hai người đàn bà, Ina và VUONG đã thành bè bạn. Sợi dây ràng níu hai tấm lòng đàn bà đó lại với nhau, mà một đầu dây đến giờ Ina vẫn giữ không phải là ngôn ngữ, mà là sự cảm thông không thành lời giữa con người với con người.
Werner Watzik viết cho chúng tôi về ngày tết Việt mà ông và vợ đã được mời tham dự, nhờ quen biết VUONG và qua cô, quen biết thêm nhiều người Việt khác.
Ông và bà đã học được từ họ đôi ba tiếng Việt, đã mua từ điển Đức Việt, (tôi đoán là từ điển do tiến sĩ Đỗ Ngoạn, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Đông Đức biên soạn, cẩm nang của sinh viên Việt tại đây một thời, vẫn được gọi là từ điển chú Ngoạn).
Wanzik còn cẩn thận ghi âm tiếng của VUONG để tập nói theo.
Một đôi giai điệu dân ca Việt Nam, sau một phần tư thế kỉ, đến giờ ông bà vẫn còn nhớ.
Đấy chắc là những làn điệu quan họ, vì cô gái đáng thương và đáng mến Nguyễn Thị VUONG vốn là con gái Hà Bắc.
Werner kể, đứa con sinh nơi xứ lạ được mẹ khai sinh là HONG DUC (tôi đoán là Hồng Đức).
Bé không biết gì về nước Đức, vì phải theo mẹ rời đất nước này ngay sau đó, trở về quê nhà.
Các nhân viên y tế Đức cùng Ina Werner đã lưu luyến đưa hai mẹ con Hồng Đức ra tận sân bay Berlin – Schönerfeld, cùng khóc cho sự chia tay bắt buộc với hy vọng sẽ có một ngày gặp lại.
Werner kể sau cuộc chia tay đó ba bốn năm, ông bà có được tin về VUONG qua một người bạn của cô, lúc đó vẫn làm việc tại Đức, rằng cô và con gái Hồng Đức sống ở quê cũ. Có điều, họ không biết làm thế nào liên lạc với nhau.
Werner Watzik và vợ sau thống nhất nước Đức đã sang Frankfurt am Main, sống và làm việc ở đó đến giờ.
Năm tháng trôi qua không làm họ nguôi nhớ một người con gái Việt Nam tên VUONG, một em bé Việt Nam tên HONG DUC, đã đến xứ sở của họ trong hi vọng và và rời xứ sở của họ trong nước mắt.
"Hai mẹ con VUONG bây giờ ở đâu? Sống ra sao? Nếu có địa chỉ của họ, chúng tôi muốn tới thăm họ tại Việt Nam,"Werner Watzik thổ lộ.
Đứa bé gái năm xưa được mẹ sinh ở Đức nay đã gần 25 tuổi. Hồng Đức, có phải tên cháu là thế?
Cháu bây giờ ở đâu, làm gì? Hai mẹ con cháu sống thế nào suốt những năm tháng vừa qua?
Chắc mẹ có kể cho cháu nghe mẹ đã mang nặng đẻ đau cháu như thế nào phải không?
Khổ sở, lo nghĩ rất nhiều, nhưng không hề cô độc, giữa những tấm lòng.
Nếu hai mẹ con cháu đọc được những dòng này, xin liên hệ về tòa soạn, hoặc liên hệ với Lê Minh Hà – Oldenburger str. 35 – 10551 Berlin – Deuschland.
Và các bạn, nếu đọc được những dòng này, xin giúp VUONG, HONG DUC, Verner và InaWatzik một lần gặp lại.
Theo Tiền Phong
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét