8 thg 6, 2007

“Người làm từ thiện... ban đêm"

Ngày xưa khi còn bé, mọi người hỏi: “Bé Thư lớn lên sẽ làm gì?” Cô bé nhỏ con, nhút nhát chỉ dám thỏ thẻ ước mơ khiêm tốn của mình: “Con sẽ làm cô giáo nhà trẻ”. Thêm vài tuổi đời, ước mơ của “cô giáo nhà trẻ” cũng lớn lên thêm chút: “Sẽ mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi”. Và đó cũng chính là ước mơ lớn nhất mà Đỗ Anh Thư theo đuổi suốt cuộc đời...

Từ một ước mơ

Soạn: AM 515773 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đỗ Anh Thư trong một chuyến về thăm quê hương và khảo sát dự án cho VNHELP

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Anh Thư không thi tiếp đại học mà tình nguỵên đi dạy mẫu giáo như ước nguyện của mình. Những đồng lương đầu tiên mẹ bảo: “Chỉ đủ để uống nước mía” nhưng cô giáo không “uống nước mía” mà dùng để mua quần áo, đồ dùng học tập tặng cho các học trò nhỏ và...thuê xích lô chở học trò đi tham quan Sở thú! Có những cháu gia đình lao động nghèo quá không đưa đón cháu đến trường nên cô giáo thường xuyên tự nguyện đến tận nhà đưa đón các cháu bằng chiếc xe đạp nhỏ bé. Nghèo, cái nghèo như ám ảnh nhưng không phải để bằng mọi cách để làm giàu mà làm sao xoá bớt cái nghèo, đem lại cuộc sống no đủ cho những người khốn khó, đó chính là con đường mà Đỗ Anh Thư đã lựa chọn.

Năm 1979, Anh Thư đến Mỹ, như bao người khác, cô lao vào học và làm việc để “được sống như mọi người”, cô bảo. Tốt nghiệp cử nhân ngành vi tính tại đại học danh tiếng University of California Berkeley năm 1984, Anh Thư có việc làm ngay với mức lương khá cao. Thế nhưng những ngày ngồi trên ghế giảng đường, “máu làm từ thiện” cứ thôi thúc nên Thư đã tham gia rất nhiều công tác cộng đồng như chương trình Truyền hình Việt Nam tại San Jose và Quỹ Y tế giáo dục văn hoá nhằm kêu gọi các tổ chức, các nhà từ thiện giúp đỡ cho những người nghèo khổ tại Việt Nam. Chính những hoạt động này mới làm cho Anh Thư cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa. Càng tham gia hoạt động từ thiện, Anh Thư càng nhận ra ý nghĩa cao cả, niềm vui to lớn đã đem lại cho những người nghèo trong đất nước, nơi mình sinh ra.

“Người kỹ sư ban ngày - Giám đốc từ thiện ban đêm”

Soạn: AM 515777 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đem lại cuộc sống no đủ cho những người khốn khó, đó chính là con đường mà Đỗ Anh Thư đã lựa chọn.


Đó là câu nói do các biên tập viên của Kênh truyền hình ABC vùng Bắc California dành cho Đỗ Anh Thư. Chị đã được kênh truyền hình này bình chọn là “Tấm gương xuất sắc gốc Á châu” vì những đóng góp cho cộng đồng. Quả thật, là một kỹ sư vi tính, Anh Thư không chỉ giữ vai trò lãnh đạo trong các dự án kỹ thuật của công ty mà chị luôn được đánh giá cao về năng lực, tinh thần trách nhiệm. Thế nhưng còn có một Anh Thư khác luôn hướng về cộng đồng, về những người cùng màu da tiếng nói đang ở quê nhà cần sự giúp đỡ. Anh Thư đã được đề cử vào danh hiệu “Phụ nữ làm công tác xã hội tốt” của Quỹ phụ nữ làm vịêc tại Thung lũng Silicon (California). Dù ở vai trò, vị trí nào, Anh Thư cũng sống chết hết mình. Chị Doãn Cẩm Liên, một người bạn thân thiết của Anh Thư từ bé nay đã là điều phối viên của Tổ chức phi chính phủ làm các dự án trợ giúp y tế, giáo dục, văn hoá cho Việt Nam (VNHELP) cho biết: “Khi lần đầu Anh Thư về nước, tôi ngỡ ngàng nhận ra một Anh Thư đã hoàn toàn khác, một Anh Thư năng nổ, mạnh dạn và dứt khoát chứ không còn là cô bé nhút nhác của ngày xưa. Cô ấy lao vào công việc bằng tất cả nhiệt tâm, có khi chúng tôi làm việc đến 1, 2 giờ khuya mà chỉ chủ yếu xoay quanh các dự án của VNHELP, không còn thời gian để tâm tình, ôn lại kỷ niệm của ngày xưa”. Chẳng ngại ngùng, Anh Thư tâm sự: “Quả thật mình luôn bị cuốn hút vào các dự án của VNHELP, cứ thấy những dự án ngày càng lớn mạnh, những người được VNHELP trực tiếp giúp đỡ nay đã trưởng thành, thoát được cảnh nghèo khó, nhìn những người trực tiếp thụ hưởng những gì do VNHELP đem lại, đối với tôi đó là liều thuốc bổ vô giá. Đó chính là động lực giúp tôi làm việc quên cả ngày đêm, quên đi những buổi tiệc giải trí, chẳng có thời gian để mua sắm, nhịn ăn trưa dành thời gian cho những cuộc hẹn với VNHELP, và những đêm trăn trở vì những điều chưa thực hiện được...Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ cuộc mà luôn cố gắng để sắp xếp lại công vịêc để hoàn chỉnh hơn, chuyên nghiệp hơn, đỡ vất vả hơn và cũng cảm thấy hạnh phúc hơn...”

Năm 1991, Anh Thư và nhóm bạn cùng chí hướng đứng ra thành lập tổ chức VNHELP. Hàng đêm, chị mải miết làm việc và là người có nhiều sáng kiến, mạnh dạn đi những bước đầu tiên cho rất nhiều chương trình căn bản của VNHELP tại Mỹ. Trong những năm đầu chị đã cùng chồng mang kiến thức kỹ thuật của mình thiết kế nhiều chương trình cho anh em VNHELP sử dụng để nâng cao năng suất và hiệu qủa công việc. Khi là một Anh Thư Giám đốc thông tin, khi là một Giám đốc gây quỹ, khi lại là một Anh Thư xông thẳng vào thực hiện phim quảng cáo để đưa VNHELP ra mắt quần chúng qua các chương trình ca nhạc chọn lọc gây quỹ…Đến nay, sau 14 năm, tai VN VNHELP đã thực hiện những dự án lớn không chỉ giúp cho người nghèo VN thoát nghèo mà còn tạo điều kiện để họ vươn lên tự lập. Hiện nay, VNHELP đã có giấy phép hoạt động tại 11 tỉnh thành tại Việt Nam. Chương trình học bổng Nguyễn Trường Tộ dành cho sinh viên nghèo học giỏi được bắt đầu từ năm 1991 và duy trì cho đến ngày nay đã cấp trên 300 suất học bổng trị giá hàng trăm ngàn USD đã giúp nhiều sinh viên vượt khó, thực hiện được hoài bão và ước mơ của mình. Bác sĩ TrầnThế Thọ, người đầu tiên được nhận học bổng của VNHELP đầu tiên vào năm 1991 nhớ lại: “Tôi được nhận học bổng vào năm 1991 với mức 100 USD/năm Lúc đó mỗi đĩa cơm chỉ 1.500 đồng. Tính ra với 100 USD ấy tôi có thể sống được ngày hai bữa trong suốt một năm học. Đó là phần thưởng vô giá đối với một sinh viên nghèo khó như chúng tôi lúc đó. Học bổng Nguyễn Trường Tộ là ngọn lửa thôi thúc chúng tôi học tập tốt hơn và bây giờ đã trưởng thành chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội hơn...Đã nhiều lần làm việc với chị Thư trong các dự án của VNHELP, với tôi Anh Thư là một phụ nữ đáng quý trọng cả về sự nhiệt tình, tài năng và sự hy sinh”


Soạn: AM 515783 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Anh Thư trong một lớp học dành cho trẻ đường phố - Dự án của VNHELP

Năm 1993, Đỗ Anh Thư về nước lần đầu tiên và trực tiếp đi thực tế, kiểm tra các dự án của VNHELP tại Việt Nam. “Người dân trong nước còn nghèo khó quá, mỗi lần đến những vùng sâu, vùng xa, lòng tôi lại nặng trĩu nỗi buồn vì những cảnh đời cơ cực”, chị tâm sự. Và trăn trở của Anh Thư đã biến thành những dự án lớn được cộng đồng người Việt tại Mỹ quan tâm giúp đỡ. Chị đã trở thành nhịp cầu nối để người Việt tại Mỹ đến với người Việt trong nước, cùng nhau chia sẻ khó khăn, lá lành đùm lá rách. Chương trình xây dựng trường học cho vùng sâu vùng xa được tiến hành từ năm 2000 đến nay đã có 14 ngôi trường được xây mới, hàng chục ngôi trường cũ được sữa chữa lại cho khang trang phục vụ cho trên 5.000 cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học ở các vùng sâu, vùng xa. Từ đầu năm 2005 đến nay, VNHELP đã xây thêm 3 ngôi trường nữa giúp cho hàng trăm học sinh có thêm điều kiện để cắp sách đến trường cùng bạn bè trương lứa. Riêng năm 2005, VNHELP dự kiến gửi về 400.000 USD cho những dự án giúp đỡ Việt Nam. Năm 1998, Đỗ Anh Thư giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của VNHELP, chị đã trở về VN trong 5 tuần để khảo sát và lên kế hoạch, dự án lớn hơn để giúp đỡ cho VN. Khi đi thực tế tại miền Trung, núm ruột nghèo của đất nước, nhận thấy nhiều thanh niên lớn lên vẫn không có việc làm nên đời sống cứ cơ cực, lam lũ, Anh Thư đã chủ trương đẩy mạnh các dự án dạy nghề và tìm việc miễn phí cho thanh thiếu niên nghèo. Đến nay, các trường dạy may, thêu, vi tính tại Huế, Đà Nẵng, Phú Yên…đã đi vào hoạt động ổn định giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm thanh thiếu niên vào đời. Và với những đứa trẻ lang thang, những người bị khuyết tật, neo đơn không nơi nương tựa, người nữ giám đốc của VNHELP không chỉ giúp đỡ bằng vật chất mà bằng chính từ thương yêu từ trái tim vốn nhạy cảm và nhân ái của chị bằng việc tài trợ hàng ngàn chiếc xe lăn, tổ chức các đoàn từ thiện khám chữa bệnh miễn phí và hỗ trợ các dụng cụ, phương tiện y tế hiện đại cho các cơ sở y tế.

Và một tấm chân tình của Người Viễn Xứ...

Soạn: AM 515789 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Anh Thư (phải) trong ngày nhận giải thưởng "Vinh danh người xuất sắc gốc Á châu”

Gần 30 năm làm người viễn xứ và mặc dù đã mang quốc tịch Mỹ nhưng chị bảo: “Tôi thấy mình vẫn là người Việt Nam, ăn cơm VN thấy ngon hơn thức ăn Mỹ, nói tiếng Việt thấy thoải mái, cảm thông dễ dàng hơn tiếng Mỹ, xem sinh hoạt văn hoá VN thấy ấm lòng hơn. Tôi là đứa con đi xa lúc nào cũng nhớ về quê mẹ tha thiết...” Và đứa con đi xa ấy không chỉ hướng về quê mẹ bằng tình cảm nhớ nhung mà bằng cả tấm lòng với sự giúp đỡ thiết thực. Anh Thư kể: “Năm 2000 tôi đi thăm dự án xây trường học tại tỉnh Thừa Thiên Huế, xe chúng tôi bị tai nạn lọt xuống ruộng nước ngập mênh mông vì gặp cơn lũ. Dân làng gần đó từ thanh niên đến cả những cụ già đã cùng nhau “hò dô ta” để kéo xe lên trong cơn mưa lạnh ướt. Sau đó một gia đình mời chúng tôi vào trú mưa, đãi chúng tôi mì gói, nước uống để chờ xe khác đến đón nhưng nhất định không chịu lấy tiền. Trong ngôi nhà tranh vách lá nhỏ bé ấy, tôi thấy cái tình của người dân Việt mình lớn lao biết bao...” Những đóng góp của VNHELP cũng đã đến ngày cho quả ngọt. Những sinh viên ngày nào nhận học bổng của VNHELP đã trưởng thành, có chỗ đứng, có địa vị trong xã hội nay đã quay lại làm thiện nguyện viên, điều phối viên giúp đỡ nhiệt tình cho các dự án của VNHELP tại Việt Nam như bác sĩ Trần Thế Thọ, Lê Đình Thảo... Bác sĩ Lê Đình Thảo cho biết: “Ban liên lạc cựu sinh viên nhận học bổng Nguyễn Trường Tộ đã được thành lập, tôi nghĩ với những đóng góp to lớn của VNHELP, ngày sẽ có nhiều bạn sinh viên cũ quay trở về đóng góp cho VNHELP trong công tác xã hội”.

Khi chúng tôi tìm hiểu tư liệu để viết bài về chị, đầu tháng 08.2005, khá bất ngờ khi tôi nhận được email của Đỗ Anh Thư báo tin: “Mình đã xin nghỉ việc tại công ty Sun Micosystems để toàn tâm toàn ý với VNHELP”.

Xuất phát từ đâu mà chị từ bỏ cơ hội làm việc, những điều kiện vật chất để theo đuổi công việc từ thiện?

Đỗ Anh Thư: Bản chất của tôi từ bé là thích hoạt động từ thịên, muốn giúp đỡ những người khó khăn xung quanh mình. Mặc dù được đánh giá cao về năng lực chuyên môn nhưng công vịêc khoa học kỹ thuật không phải là niềm đam mê của tôi. Ai cũng có một lý tưởng để lựa chon, làm công tác xã hội với những kết quả thiết thực tác động trực tiếp đến nhiều người làm tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Hơn nữa tổ chức VNHELP đến nay đã trải qua 14 năm với bước phát triển ngày càng lớn mạnh. Đã đến lúc cần phải được chuyên nghiệp trong các hoạt động của mình nên tôi chấp nhận là người đi đầu để VNHELP lớn mạnh và ngày càng giúp đỡ thiết thực cho người dân trong nước nhiều hơn vì nhu cầu trong nước rất lớn.

Trước khi đi đến quyết định nghỉ việc, chị có trăn trở? Chị được và mất những gì trong quyết định của mình?

Soạn: AM 515793 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bây giờ, mình đã có ba đứa con, hai đứa con ruột và đứa con tình thần là VNHELP

Đỗ Anh Thư: Tôi suy nghĩ và trăn trở nhiều lắm chứ. Khi nghỉ việc, tôi mất hẳn hơn 100.000 USD lương căn bản hàng năm cùng những bổng lộc và lợi nhuận khác nhưng tôi nghĩ đời sống vật chất thiếu hay đủ là do quan niệm của mình. Mình nghỉ việc thì sẽ có người khác thay thế, còn ý nghĩa của những việc làm đem lại hạnh phúc to lớn thì không phải ai cũng có và ai cũng làm được. Bây giờ, mình đã có ba đứa con, hai đứa con ruột và đứa con tinh thần là VNHELP, chúng đang ở độ tuổi trưởng thành nên cần phải chăm sóc kỹ để chúng lớn mạnh. Nghỉ việc mình sẽ có thời gian nhiều hơn để chăm sóc cho cả ba đứa con. Cái mất thì thấy trước mắt còn cái được thì không thể “cân đo đong đếm” vì đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi luôn mong ước làm sao để giúp đỡ những người nghèo, kém may mắn ở quê hương mình được nhiều nhất, muốn đất nước Việt Nam của mình giàu mạnh và làm sao để người Việt ở Hải ngoại có điều kiện gắn kết với người dân trong nước nhiều hơn, giúp đỡ thiết thực hơn.

Đã nhiều lần về VN, chị nhận xét như thế nào về sự thay đổi của đất nước?

Đỗ Anh Thư: Mỗi lần về tôi thấy VN càng thay đổi nhiều, ngày càng đẹp hơn. Người dân Việt mình rất đáng yêu, những người trẻ thì đầy sức sống và biết ước mơ, hy vọng nhưng VN vẫn còn nghèo về nhiều mặt lắm...

Sau một ngày làm việc, đêm đến chị nghĩ về điều gì nhiều nhất?

Đỗ Anh Thư: Công việc của VNHELP luôn chiếm hết thời gian và tâm trí tôi. Điều tôi vui nhất là sự tin cậy của những vị ân nhân, những người xa lạ nhưng đến gặp và trao cho tôi số tiền cùng lời tin tưởng, những lời dặn dò ân cần, những thăm hỏi chân tình... tất cả đã đặt niềm tin vào mình nên không thể phụ lòng mong đợi. Đối với tôi đó là liều thuốc bổ giúp tôi làm việc quên ngày đêm. Tôi cũng cảm thấy thương yêu vô cùng những tình nguyện viện đã đến với VNHELP, nhờ có sự góp sức và khuyến khích của họ mà tôi mới có thể thành công trong vai trò lãnh đạo và cùng đưa tổ chức đến tầm vóc đáng kể ngày hôm nay.

Theo chị, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể gì để Việt kiều mạnh dạn về nước đầu tư, các tổ chức Việt kiều giúp đỡ cho người dân trong nước nhiều hơn?

Đỗ Anh Thư: VN đã có nhiều thay đổi tích cực trong những năm gần đây nhưng theo tôi vẫn chưa đủ để Việt kiều mạnh dạn về đầu tư. Vì sao ư? Những thông tin về nạn tham nhũng làm nhiều người lo ngại, vấn đề luật pháp cũng chưa chặt chẽ, một số bà con ở hải ngoại cũng chưa hiểu rõ về chính sách, chủ trương của Nhà nước dành cho Việt kiều. Vết thương chiến tranh vẫn còn trong một số người lớn tuổi nên tôi nghĩ Nhà nước và ngay cả bà con Việt kiều nên tiếp tục bày tỏ thiện chí hàn gắn vết thương nhiều hơn, thông cảm và hiểu nhau hơn để hướng đến cái chung. Riêng trong lĩnh vực các hoạt động phi chính phủ, tôi mong Nhà nước sẽ có những chính sách rộng và thoáng hơn như: đương nhiên được miễn thuế mà không phải làm thủ tục xin, và cho phép nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước ra đời và hoạt động để có điều kiện giúp đỡ cho nhiều người.

Không phải là những bằng cấp, những nghiên cứu khoa học làm rạng danh cho Việt Nam ở hải ngoại nhưng tấm lòng của Đỗ Anh Thư cùng những đóng góp của VNHELP chính là một nét son về một người con xa xứ luôn hướng về đất mẹ để mọi người Vinh danh... Xin cám ơn chị, cám ơn một tấm lòng dành trọn vẹn cho đất nước.

M.D

http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vinhdanhnuocviet/2005/08/479383/

Không có nhận xét nào: