6 thg 10, 2015

Rời bỏ “tư duy lá chuối”

“Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi”.
Câu nói của ông Nguyễn Sự trước khi rời ghế xứng đáng để suy ngẫm.
Hoan nghênh ông “treo ấn từ quan”.
Tất nhiên với hơn 20 năm ở vị trí lãnh đạo chủ chốt của Hội An (Quảng Nam), hai nhiệm kỳ bí thư Thành ủy và ở tuổi 58, theo quy định thì thời gian công tác của ông Nguyễn Sự không còn nhiều.
Với vị trí bí thư Thành ủy Hội An, có thể chỉ trong năm nay ông Sự sẽ hết nhiệm kỳ nếu căn cứ vào lịch trình đại hội đảng bộ các cấp. Nhưng không biết có vị lãnh đạo nào đó tự hỏi vì sao việc xin nghỉ sớm của ông Sự có thể xem là bình thường, lại được báo giới đồng loạt đưa tin và được dư luận quan tâm đến vậy?
Phải chăng bởi vì việc lẽ ra bình thường nhưng lâu nay ít quá, hiếm quá, nên khi việc diễn ra thật thì đã trở thành sự kiện.
Và phải chăng với những gì ông Sự đã đóng góp cho Hội An, ông đã trở thành người cán bộ “đi dân nhớ, ở dân thương”. Không phải tự nhiên mà một nhà văn đã gọi ông Nguyễn Sự là “nhà văn hóa thực hành” và đô thị này chính là “tác phẩm sống” của ông.
Văn hóa "treo ấn từ quan" không phải hoàn toàn xa lạ với người Việt, sử sách đã ghi lại rất nhiều trường hợp. Ở đây không có ý so sánh vì thời đại khác nhau, nhưng có một thực tế là lâu nay văn hóa từ chức, văn hóa rời ghế sớm để nhường chỗ cho lớp trẻ chưa trở thành nếp hành xử thường thấy.
Dư luận đã quá mệt mỏi với những thông tin về quan chức nào đó tham quyền cố vị đến phút cuối cùng, ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm ở “phút 89”. Thậm chí trong dân gian còn lưu truyền hai chữ “sống gấp” để chỉ những quan chức tranh thủ ngày tháng cuối nhiệm kỳ để trục lợi, để “lót ổ”.
Đây không phải bức tranh chung, tuy nhiên tình hình đến mức có vị đại biểu Quốc hội đã đề nghị ra quy định cấm người giữ vị trí lãnh đạo ký các văn bản liên quan đến dự án, liên quan đến nhân sự trước khi về hưu.
Đối với những trường hợp tranh thủ ở “phút 89”, không khó để giải thích vì sao việc ứng xử có văn hóa với chiếc ghế lại khó khăn đến vậy.
Vì chiếc ghế gắn với lợi ích mà không đi kèm trách nhiệm đầy đủ, vì cơ chế giám sát quyền lực chưa đủ mạnh nên người giữ ghế nghĩ rằng có thể “hạ cánh an toàn”.
Ông Nguyễn Sự dám rời ghế trước tuổi, đặc biệt trước khi rời ghế ông dám nói về những sai lầm của mình, ví dụ như việc cấp phép cho các dự án ven biển. Thái độ đó thật đáng trân quý. Mong rằng sau ông, sẽ có thêm nhiều lãnh đạo rời bỏ “tư duy lá chuối”.
NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG, (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương)
V.V.THÀNH ghi
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150608/roi-bo-tu-duy-la-chuoi/758493.html

Không có nhận xét nào: