31 thg 3, 2007

Thành đạt là gì?

Thành đạt mà Jack Canfield hứa với tất cả cử tọa trong hai năm tới là:

1/ Tăng đôi thu nhập.

Thoạt nghe có vẻ như “duy vật chất” quá, thực dụng quá.

- Cái gọi là “thực dụng của người Mỹ” có hay không, ông Jack Canfield?

- Ở đâu cũng có tinh thần thực dụng cả. Có thể ở Mỹ nhiều hơn song nhất định không phải trong ý nghĩa cực đoan. Vấn đề là làm sao tìm được sự tương đối và cũng tùy theo cách cảm nhận.

Thật vậy, khi mà các quốc gia đều đề ra những mục tiêu tăng GDP năm tới là bao nhiêu, thì việc mỗi cá nhân có mơ tăng thu nhập là bao nhiêu cũng là đích đáng. Song, không chỉ có mỗi tăng thu nhập. Những hứa hẹn khác mà Jack Canfield muốn “bán” cho cử tọa còn là:

2/ Tăng đôi thời gian rảnh rỗi để sống cho bản thân và gia đình, bè bạn, tha nhân.

Quả mới mẻ! Thật ra, theo Jack, phân chia thời gian như thế chính là để tăng hiệu suất công việc, do lẽ các nghiên cứu cho thấy 80% kết quả có được là đến từ chỉ 20% nỗ lực! Trong một tổ chức, điều này càng cần thiết và để làm được điều đó “các sếp hãy ủy nhiệm cho người khác” - Jack bảo.

3/ Tìm được thế quân bình vui vẻ trong công việc và khi về nhà.

Khi mà câu hỏi “Chọn gì giữa sự nghiệp và gia đình?” vẫn còn là một chọn lựa đối kháng “đau lòng” cho không ít người, thì những khuyến cáo về sự “quân bình vui vẻ” này là gì?

Jack Canfield trả lời: “Vấn đề là làm sao giáo dục người ta thiết lập tầm nhìn và mục tiêu của họ sao cho đảm bảo thế cân bằng giữa mọi lĩnh vực của cuộc đời. Làm được thế cá nhân sẽ hoàn thiện và tổ chức sẽ thành công”.

Nhận 100% trách nhiệm

Jack nhấn mạnh: “Một trong những quan niệm sai lầm đầy rẫy trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay là: bạn có quyền sống một cuộc đời tuyệt vời..., do có ai đó phải có trách nhiệm đem lại cho ta cuộc sống đầy hạnh phúc, nhiều cơ hội chọn lựa công việc thú vị... Sự thật là chỉ có một người có trách nhiệm cho chất lượng của cuộc sống mà bạn đang sống. Người đó chính là bạn”.

Jack Canfield đốc thúc: “Hãy từ bỏ mọi đổ thừa. Nếu việc không trơn tru như đã định, hãy tự hỏi: Làm thế nào mà tôi đã tạo ra cớ sự như thế này? Tôi đã phát biểu hoặc không phát biểu những gì, đã làm hoặc không làm gì để dẫn đến kết quả này? Lần tới tôi phải làm gì khác để có được kết quả tôi muốn”.

Jack kiên trì nhấn mạnh đến yêu cầu từ bỏ đổ thừa này: “Sau một kết cuộc không như ý, các bạn có thể có hai thái độ: đổ thừa cho nền kinh tế, cho nạn hành... chính, cho bầu không khí chính trị, cho thời tiết, cho thiếu vốn, cho thiếu trình độ...; đổ thừa cho cây gậy đánh gôn nếu bạn chơi gôn. Hoặc đơn giản nghĩ đến việc thay đổi cách đáp ứng các điều kiện khách quan đó, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách ăn nói diễn đạt, thay đổi cả những “ấn tượng” đã có trong đầu bạn, thay đổi thái độ... Tỉ như thay vì gãi đầu bảo “tại sáng nào cũng kẹt xe”, hãy ra khỏi nhà sớm hơn... Bạn sẽ chẳng bao giờ thành đạt nếu bạn cứ đổ thừa người khác hay cái gì đó. Ngày mà bạn thay đổi cách đáp ứng, ngày đó đời bạn bắt đầu sẽ khá hơn...”.

Jack Canfield có một “bài vè” khá ngộ nghĩnh: “Bạn chính là người đớp thức ăn béo ngậy, mặn chát, ngọt lừ hại thân - Bạn chính là kẻ đã từ chối - Bạn chính là người nhận công việc đó - Bạn chính là người khăng khăng đòi làm việc đó một mình - Bạn chính là người nghe lời họ dụ dỗ mà quên đi trực giác của mình và mua món hàng đó... Than gì nữa! Tất cả những gì bạn lãnh ngày hôm nay chính là hậu quả của những chọn lựa của bạn trong quá khứ...”.

Jack tỏ ra rất am hiểu tâm lý con người khi đào sâu thêm về cái bệnh đổ thừa: “Bạn có nhận thấy rằng thường thì người ta than vãn với những người “không phải việc”. Như về nhà than chuyện ở sở làm với bà (ông); vô sở làm lại than chuyện bà xã, ông xã, trong khi chẳng ai chịu nói trực tiếp với mình hay với vợ (chồng) mình để giải quyết”.

Chịu trách nhiệm 100%. Có lẽ đây là bài học thiết thực nhất của Jack Canfield. Đây không chỉ là lời khuyên cho từng cá nhân, mà là cả cho các tổ chức, như chính tựa đề của buổi diễn thuyết: “Cá nhân hoàn thiện, tổ chức thành công”.

Giao du vượt cấp và biết ơn người khác

Jack Canfield là một người đi và sống nhiều. Đi đến đâu ông cũng đều gặp một số người được xem là thành đạt để nghe họ chuyện trò. Đây cũng chính là một trong những nguyên tắc thành đạt: “Hãy giao thiệp với những người cao hơn bạn một cấp. Bạn là mẫu số chung của năm người mà bạn dành thời gian giao du nhiều nhất. Hãy tránh những kẻ chỉ nhìn đời bằng cặp mắt tiêu cực, hãy tìm đến những ai có tinh thần tích cực”.

Một lời khuyên khác của Jack rất thấm thía: mỗi ngày hãy biết cảm ơn người khác quanh mình vì những gì họ đang làm. Một tập thể, một xã hội chỉ hài hòa nếu biết ơn nhau. Bài tập mà Jack yêu cầu thực hành ngay là mỗi người hãy tìm một lý do để cảm ơn người khác quanh mình. Có người cảm ơn người tổ chức buổi diễn thuyết, có người cảm ơn những người phục vụ... Có lẽ cũng nên cảm ơn cả những người trẻ tự tin, có trình độ, xông xáo, đã bỏ tiền túi đến có mặt trong buổi gặp gỡ này.

Hãy hành động

“Bạn có biết sự khác biệt giữa kẻ thắng, người thua trong xã hội là gì không?”, Jack hỏi. Người bảo thế này, người bảo thế nọ. Cuối cùng Jack cầm một quyển sách của mình lên và bảo: “Có ai muốn có được quyển sách này không? Hãy đến lấy”.

Người này ngó người kia, như một cố tật xưa nay không hiếm của người Việt mình. Có hai người chạy vọt lên giành lấy quyển sách làm Jack té văng vì cú chen lấn này, song ông vẫn thản nhiên tiếp lời: “Họ có được quyển sách, khác biệt chính ở chỗ họ đã hành động. Hãy loại bỏ câu “Tôi không thể làm được”. Hãy lập ra một danh sách những gì mà bạn cho là không làm được để từ bỏ chúng đi... Ngược lại hãy làm nhiều hơn những gì bạn đã thành công, bớt những gì làm sai, nặn óc tìm sách lược mới. Hãy vạch kế hoạch mỗi ngày làm những gì và làm cho được...”.

Theo Jack Canfield, có đến 64 bí quyết để thành đạt. Nhưng sự thành đạt chỉ dành cho những người biết nghe, biết nhìn, biết thấy, biết nói và biết làm.


Sưu tầm


Không có nhận xét nào: