Rất nhiều học sinh tâm sự là mới học tiếng Anh nên rất ngại nói vì vốn từ của còn ít và ngữ pháp cũng không chắc. Họ nhận được rất nhiều lời khuyên là phải chịu khó nói thật nhiều vì đây là cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất. Vậy có phải nói tiếng Anh có tác dụng rất lớn đối với những người mới bắt đầu học tiếng Anh hay không?
Đây có thể là lời khuyên mà những người học tiếng Anh được nghe đi nghe lại nhiều lần. Bạn sẽ nhận được lời khuyên này từ giáo viên, các trang web dạy tiếng Anh miễn phí và cả những thành viên trong các diễn đàn trao đổi về cách học tiếng Anh. Đối với hầu hết giáo viên dạy tiếng, mục tiêu của họ là làm cho bạn nói thật sớm và thật nhiều. Họ tin rằng họ nên hạn chế nói trên lớp để học sinh có cơ hội nói tiếng Anh nhiều hơn.
Trên thực tế, nói là một dạng bắt chước. Khi nói tiếng mẹ đẻ, bạn không tạo ra từ vựng, ngữ pháp và cách phát âm của riêng mình mà bạn dùng từ vựng, ngữ pháp và cách phát âm giống mọi người xung quanh bạn. Tương tự, khi cố nói một ngoại ngữ, mục đích của bạn là bắt chước từ vựng, ngữ pháp và cách phát âm của người bản xứ để cách nói của bạn được tự nhiên và chuẩn xác. Như vậy, có thể thấy tương đối rõ là để nói giống như người bản xứ, bạn phải nghe những gì họ nói và đọc những gì họ viết. Bằng cách này, bạn có thể học được các từ và cấu trúc ngữ pháp mới mà bạn có thể sử dụng để diễn đạt suy nghĩ của bạn. Kết quả là bạn có thể thiết lập các câu tiếng Anh của riêng bạn càng ngày càng dễ dàng. Ngược lại, nếu bạn làm theo lời khuyên “đại trà” này và tập trung nói nhiều hơn là nghe và đọc, bạn sẽ học được ít từ và cấu trúc mới, và, giống như nhiều người học, bạn sẽ bị “tắc” trong vốn từ và ngữ pháp hạn hẹp của bạn. Do vậy, bạn sẽ luôn gặp khó khăn khi biểu đạt ý nghĩ của mình bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận là, dù việc luyện nói không giúp nâng cao từ vựng hay ngữ pháp của bạn, nhưng nó cũng mang lại một số lợi ích quan trọng:
* Nói giúp cải thiện độ trôi chảy (chuyển kiến thức về từ vựng, ngữ pháp và cách phát âm của bạn từ “trí nhớ chậm” sang “trí nhớ nhanh”. Tuy nhiên, trước hết bạn phải đặt cái gì đó vào “trí nhớ chậm” thông qua các kiến thức đầu vào lĩnh hội được);
* Giao tiếp bằng ngoại ngữ rất lý thú và tạo động lực thúc đẩy bạn tiếp tục học;
* Nói giúp bộc lộ những lỗ hổng trong từ vựng và ngữ pháp của bạn (chỉ ra cho bạn những gì bạn chưa biết và khuyến khích bạn tra tìm những kiến thức đó).
Vậy bạn nên làm gì nếu:
* bạn không biết bắt đầu một câu thế nào, ngay cả khi bạn đã dành thời gian suy nghĩ?
* bạn dừng lại ở giữa câu và không thể tiếp tục được bởi vì bạn không biết một từ nào đó?
* bạn nói ra những câu nghe rất gượng bởi vì bạn không biết làm thế nào để nói một cách tự nhiên?
* bạn thường xuyên mắc lỗi và không nhận thức được điều đó?
Nếu bạn đang ở trong tình trạng trên, bạn nên lĩnh hội thêm kiến thức đầu vào chứ không phải luyện nói nhiều hơn. Những vấn đề như vậy cho thấy đơn giản bạn không biết cách nói một số điều cụ thể bằng tiếng Anh và nên quan sát xem người bản xứ nói những câu đó như thế nào. Nói nhiều hơn sẽ không cải thiện được vốn từ và ngữ pháp của bạn; thực ra, làm vậy còn có thể khiến cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Ngay từ đầu, bạn nên dành toàn bộ thời gian để đọc và nghe (nhờ vậy mà lĩnh hội được vốn từ và ngữ pháp cần thiết) cho tới khi bạn có thể viết một số câu đơn giản nhưng chính xác 100% bằng tiếng Anh. Chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu bằng cách viết mấy dòng e-mail cho một người bản xứ. (Thời gian để bạn viết bức e-mail đó không thành vấn đề, kể cả bạn mất tới 2 tiếng đồng hồ, nếu bạn có đủ độ kiên trì đến thế). Đồng thời, bạn nên học ngữ âm tiếng Anh, luyện phát âm các âm và học phát âm các từ. Sau đó, bạn nên tiếp tục lĩnh hội kiến thức đầu vào và chịu khó viết cho đến khi bạn có thể tạo ra các câu đơn giản và chuẩn xác mà không cần tra từ điển hay tìm trên Web. Đây chính là lúc bạn nên bắt đầu nói – chậm rãi và cẩn thận. Tuy nhiên, bạn vẫn nên dành hầu hết quỹ thời gian vào việc luyện nghe và đọc bởi vì kiến thức đầu vào là cách duy nhất để phát triển từ vựng và ngữ pháp của bạn.
Đáng buồn là trong những năm qua, tại nhiều lớp học tiếng, tầm quan trọng của kiến thức đầu vào đã bị đánh giá quá thấp. Sự thống trị của Phương pháp giao tiếp (Communicative Approach) trong việc giảng dạy tiếng Anh đồng nghĩa với việc học sinh được yêu cầu nói trên lớp và viết các bài tiểu luận hầu như ngay từ buổi học đầu tiên, dù là họ gần như chưa có một cơ hội nào để hấp thu ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh. Một giáo viên “điển hình” luôn đòi hỏi sản phẩm đầu ra từ phía học sinh mà chẳng làm gì để đảm bảo các em đã có đủ kiến thức đầu vào. Một vài giờ học tiếng Anh trên lớp hàng tuần, nơi mà giáo viên cố gắng nói thật ít (để tạo cơ hội cho học sinh được nói) hầu như là chưa đủ. Vì vậy, nguồn tài liệu đầu vào phong phú đáng tin cậy tại các trang web học tiếng Anh có uy tín chính là lựa chọn đúng đắn nhất dành cho bạn.
Thanh Sơn – Giảng viên Global Education
Thanh Sơn
http://www.globaledu.com.vn/ViewDetail.aspx?contentID=1374
20 thg 10, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét