Đọc giáo trình không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhất là những cuốn giáo trình bằng một thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ như tiếng Anh. SQRW là một thủ thuật 4 bước dành cho việc đọc và ghi lại những ý chính từ một cuốn giáo trình nào đó bạn phải đọc trước ở nhà.
Mỗi chữ cái (S-Q-R-W) tượng trưng cho một bước trong chiến thuật này. Sử dụng SQRW sẽ giúp bạn hiểu những gì mình đang đọc và chuẩn bị được một bản tóm tắt những ý chính mà bạn học được từ giáo trình đó. Bản tóm tắt này sẽ vô cùng giá trị khi bạn cần tham dự một cuộc thảo luận trên lớp hay khi bạn ôn tập chuẩn bị cho một kỳ thi.
Survey (Tìm hiểu tổng quát)
Việc tìm hiểu tổng quát sẽ giúp bạn không những nhớ lại những kiến thức mà bạn đã biết về chủ đề được đề cập đến trong một chương nào đó của cuốn sách mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho việc học thêm những kiến thức mới. Để tìm hiểu tổng quát về một chương, hãy đọc đầu đề, đoạn giới thiệu, các tiêu đề của tiểu mục, phần tóm tắt hay tiểu kết của chương. Đừng quên nghiên cứu các hình vẽ minh hoạ, bảng biểu, bản đồ hay biểu đồ và đọc những lời chú thích đi kèm. Khi tìm hiểu tổng quát, bạn sẽ nhanh chóng biết được là chương đó nói về điều gì.
Question (Đặt câu hỏi)
Bạn cần đặt ra những câu hỏi trong đầu khi đọc. Các câu hỏi sẽ giúp bạn đọc có mục đích và tập trung hơn vào việc đọc có trọng tâm. Hình thành các câu hỏi bằng cách chuyển tên mỗi chương thành một câu hỏi. Sử dụng các từ để hỏi như who (ai), what (cái gì), where (ở đâu), why (tại sao) hay how (khi nào) để đặt câu hỏi. Ví dụ: với tiêu đề “Uses of Electricity” trong một chương về cách khoa học góp phần cải thiện cuộc sống con người, bạn có thể đặt câu hỏi “What are some uses of electricity?”. Nếu tiêu đề đó là một câu hỏi thì bạn có thể sử dụng luôn câu hỏi ấy. Còn trong trường hợp tiêu đề của bạn có nhiều hơn một ý thì hãy tách chúng ra và đặt câu hỏi cho từng ý. Đừng đặt câu hỏi cho phần Giới thiệu, Tóm tắt hay Tiểu kết.
Read (Đọc)
Đọc các thông tin bên dưới các tiêu đề sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn vừa đặt ra trong bước thứ hai. Khi đọc, bạn có thể quyết định thay đổi nội dung của một câu hỏi hay chia nó ra thành nhiều câu hỏi nhỏ hơn để trả lời. Đọc có trọng tâm và linh hoạt thì bạn có thể thu nhận được đủ thông tin để có thể tìm ra câu trả lời thoả đáng cho từng câu hỏi.
Write (Viết)
Viết các câu hỏi cùng câu trả lời vào vở. Hãy đọc lại những câu trả lời đã viết để chắc chắn rằng các câu trả lời đều dễ đọc và chứa tất cả các thông tin quan trọng cần thiết để trả lời câu hỏi đó. Khi thực hiện thủ thuật này, bạn sẽ thấy mình không chỉ học được nhiều hơn mà còn biết cách ghi chép ý tốt hơn để có thể sử dụng khi thảo luận trên lớp cũng như ôn thi.
Chỉ có một lưu ý nho nhỏ là khi hoàn thành bước 1 (Survey - Tìm hiểu tổng quát), hãy thực hiện 3 bước sau lần lượt cho từng tiêu đề một. Như vậy bạn sẽ không bị rối vì có quá nhiều vướng mắc cần tìm giải đáp khiến việc đọc sẽ thiếu trọng tâm và kém hiệu quả. Chúc bạn thành công!
Diệu Linh – Giảng viên Global Education
Diệu Linh
http://www.globaledu.com.vn/ViewDetail.aspx?contentID=1383
20 thg 10, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét